"Vắng như chùa Bà Đanh" - Vậy chùa Bà Đanh ở đâu?

“Vắng như chùa Bà Đanh” là câu thành ngữ dân gian quen thuộc để nói về sự vắng vẻ, đìu hiu. Nhưng câu nói này bắt nguồn như thế nào, chùa Bà Đanh ở đâu và có điều gì đặc biệt thì có lẽ không phải ai cũng biết.

    Chùa Bà Đanh ở đâu?

    Từ Hà Nội, đi thẳng Quốc lộ 1 đến thành phố Phủ Lý, rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú, đi theo đường 21B khoảng 10 km, đến cầu treo Cấm Sơn, du khách sẽ đến với chùa Bà Đanh. Chùa Bà Đanh còn có tên gọi là Bảo Sơn Nữ, ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa được trải rộng trên diện tích 10 héc ta với gần 40 gian nhà gạch ngói lớn nhỏ.
     

    Chùa Bà Đanh ở đâu?

    Hình ảnh chùa Bà Đanh (Nguồn: vietcharmtour.vn)


    Trong khuôn viên rộng lớn với những hàng cây cổ thụ rợp bóng, những viên gạch lát phủ màu rêu phong, chùa Bà Đanh còn có một vị trí sơn thủy hữu tình, ba mặt được ôm trọn bởi dòng sông Đáy. Lối độc đạo dẫn vào chùa lại có hai ngõ: một ngõ đưa du khách đến chính điện, ngõ khác đưa đến núi Ngọc nằm ngay cạnh chùa. 

    Tại sao lại nói "Vắng như chùa Bà Đanh"?

    Một ngôi chùa cổ kính, có kiến trúc đẹp, nằm ở vị trí sơn thủy hữu tình nhưng tại sao lại vắng vẻ như vậy để dân gian thường ví “Vắng như chùa Bà Đanh”?

    Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết để lý giải cho thành ngữ này. Do vị trí độc đạo và khuất sâu nên chùa Bà Đanh rất linh thiêng. Người dân địa phương kể lại rằng, chùa linh thiêng đến mức, người đi đường có ngang qua nếu cười cợt hay nói điều gì bất kính sẽ bị trừng phạt nặng nề. Có thể vì lý do đó mà ít người dám ghé thăm ngôi chùa này vì sợ những tai họa ập đến nếu chẳng may vạ miệng.
     

    Hình ảnh từ trên cao nhìn xuống Chùa Bà Đanh
    Hình ảnh từ trên cao nhìn xuống chùa Bà Đanh (Nguồn: Dantri.com.vn)


    Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Bà Đanh nằm tách xa khu dân cư nên ít người qua lại. Nhiều người còn truyền tai nhau là xung quanh chùa là rừng rậm, có nhiều thú dữ hay tấn công người. Thêm nữa là đường vào chùa rất khó khăn, cách duy nhất là chèo thuyền qua sông Đáy, vì sự bất tiện này nên chùa càng ngày càng vắng vẻ, ít người hành hương đến. 

    Sự tích chùa Bà Đanh

    Sự tích chùa Bà Đanh được dân gian tương truyền, Bà Đanh là một người con gái được trời phật ban xuống trông coi mảnh đất này, giúp điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lụt lội, đem lại mưa thuận gió mùa, mùa màng bội thu, tươi tốt. Để tưởng  nhớ công đức của  bà giúp cho dân  làng, người dân đã cho xây dựng ngôi chùa để thờ cúng, gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh.

    Trung tâm của chùa là pho tượng Bà Đanh được khắc tạc theo tư thế thiền tọa trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, vô cùng gần gũi, thân thuộc, chứ không mang dáng vẻ thần bí, siêu thoát như các tượng Phật khác.Ngoài thờ tượng Phậtchùa Bà Đanh còn thờ tượng của Đạo giáo như Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái thượng Lão Quân, các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ-một tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt. Nhưng ít người biết, khởi thủy chùa Bà Đanh là nơi thờ Tứ pháp: Pháp Điện, Pháp Lôi, Pháp Vân, Pháp Vũ - thờ các hiện tượng thiên nhiên, gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân ở đây. 

    Di tích chùa Bà Đanh-Núi Ngọc

    Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo, điển hình của kiến trúc chùa chiền cổ xưa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt. Ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời, theo nhiều tài liệu tin cậy thì chùa có xuất xứ từ ngôi đền ở thế kỷ thứ VII. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trên hành trình dung hòa tín ngưỡng dân gian của người Việt và tín ngưỡng thờ Phật. Với kiến trúc cổ kính và những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, năm 1994, chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Kể từ đó, chùa Bà Đanh-Núi Ngọc trở thành khu danh thắng tâm linh được nhiều du khách biết đến. 

    Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, chùa Bà Đanh được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng nhưng vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc chùa chiền nước ta. Lối dẫn vào chùa đã được trải nhựa sạch sẽ, hai bên đường đi là những hàng cây ăn quả rợp bóng xanh mát. Cũng giống như các ngôi chùa truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, cổng tam quan vào chùa có ba gian, hai tầng, trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ được khắc hoa văn. Bước qua cánh cổng, vào trong chùa, du khách sẽ thấy một khuôn viên rộng rãi, mát mẻ, thanh tịnh với hệ thống nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu... Mọi buồn phiền, lo âu của du khách dường như tan biến để nhường chỗ cho sự an nhiên, tĩnh tại. 

    Xen giữa chùa Bà Đanh và Núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây ăn quả lâu năm như vải, nhãn, xem giữa là những cây thời vụ như ngô, lúa… Nằm xa khu dân cư, lại có địa thế đẹp, gần núi, gần sông, khu danh thắng chùa Bà Đanh-Núi Ngọc là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách gần xa. 

    Lễ hội chùa Bà Đanh

    Ngày nay, chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ, đìu hiu như trước đây mà có rất đông du khách tìm tới vãn cảnh, thờ cúng. Xưa kia, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức 5 năm một lần từ ngày 15 đến 17 tháng 2 âm lịch.Nhưng đến năm 1950 khi thực dân Pháp đánh chiếm thị trấn Quế, lễ hội chùa Bà Đanh không còn được tổ chức. Sau hơn 60 năm bị ngắt quãng, năm 2011, Ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã tổ chức phục dựng lại lễ hội chùa Bà Đanh. 

    Hiện nay, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức hàng năm, bảo tồn nguyên vẹn các nghi thức và trò chơi truyền thống từ bao đời nay. Đặc sắc nhất là nghi lễ quang phấn- dùng vật liệu tự nhiên làm cho phần mặt trên tượng Bà Đanh trắng bóng trở lại. Trước khi quang phấn, người dân làm lễ xuất thần cho tượng, sau đó cẩn thận rước tượng đến địa điểm làm quang phấn. Trong khi làm quang phấn phải buông màn quây tượng để đảm bảo sự tôn kính, trang nghiêm. Sau khi làm nghi lễ quang phấn, lễ hội chùa Bà Đanh mới chính thức diễn ra.

    Mở đầu là phần rước kiệu thần phật về đình làm lễ vào sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch. Mỗi kỳ diễn ra lễ hội, kiệu rước sẽ được để lại ở đình Hạ hoặc đình Thượng cho người dân và du khách chiêm bái, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Đến sáng ngày 17 tháng 2 âm lịch sẽ rước về chùa Bà Đanh, đánh dấu lễ hội chùa Bà Đanh kết thúc.
     

    Lễ Hội Chùa Bà Đanh

    Lễ hội ở chùa Bà Đanh (Nguồn: catbaexpress.com)


    Tại lễ hội chùa Bà Đanh còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, bịt mắt đập niêu, cờ người, chọi gà, đua thuyền trên sông Đáy.

    Hàng năm, lễ hội chùa Bà Đanh đều thu hút rất đông người dân địa phương và du khách. Năm 2019, lễ hội chùa Bà Đanh đã được chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

    Chùa Bà Đanh có giá trị về kiến trúc, lịch sử và tâm linh. Người dân và du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa để hiểu hơn về sự tích chùa Bà Đanh, về câu ví quen thuộc “Vắng như chùa Bà Đanh” . Người dân địa phương cho rằng giờ câu nói đó nên cải biên thành “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ. Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh” để nói về sức hấp dẫn của di tích văn hóa tâm linh này./.

    Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây