Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt

Tín ngưỡng thờ Tứ pháp là một trong những tín ngưỡng lâu đời, là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của người Việt. Đó chính là sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, để đạo Phật gần gũi hơn với tâm thức, truyền thống dân tộc và đời sống của cư dân nông nghiệp nước ta. Vậy tục thờ Tứ pháp có nguồn gốc từ đâu, thờ những vị thần nào và tín ngưỡng thờ Tứ pháp có những điểm gì độc đáo? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc cho bạn.

    Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Tứ pháp.

    Theo nhiều sách cổ như Lĩnh Nam Chích Quái (do các soạn giả Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú soạn vào khoảng thế kỷ 14-15), sách Kiến Văn Tạp Lục (soạn giả Lê Quý Đôn)…, tín ngưỡng thờ Tứ pháp bắt nguồn từ câu chuyện xoay quanh cuộc đời người con gái tên là Man Nương.

    Từ khi còn trẻ, Man Nương đã theo học đạo tại chùa Phúc Nghiêm do vị sư Khâu Đà La (người Tây Trúc - Ấn Độ) trụ trì. Trong một đêm sau khi đi hành lễ về, Khâu Đà La vô tình bước qua người Man Nương đang nằm ngủ khiến nàng thụ thai. Nàng đành rời chùa, trở về nhà và một năm sau hạ sinh một cô con gái. Bấy giờ, nàng đưa con về lại chùa để trả cho Khâu Đà La. Nhà sư đưa bé đến cây dâu, niệm thần chú rồi cần tích trượng gõ vào thân cây. Kỳ lạ thay, thân cây mở ra, đón em bé vào rồi từ từ khép lại. Bấy giờ, Khâu Đà La liền trao cho Man Nương cây tích trượng và dặn dò rằng khi nào trời hạn hán, cứ cắm cây gậy xuống đất, đọc lời cầu nguyện thì trời sẽ ban mưa xuống.

    Đến một năm nọ, sau những ngày mưa to gió lớn triền miên, cây dâu cổ thụ do Khâu Đà La gửi con vào đó đã đổ xuống sông, trôi về vùng thành Luy Lâu. Người dân trong vùng ra sức kéo cây vào bờ nhưng không tài nào làm được. Đúng lúc đó, nàng Man Nương đang ngồi giặt giũ ở bờ sông liền tung dải yếm ra. Cây dâu bèn nương theo dải yếm mà dạt vào bờ. Đêm hôm đó, dân trong vùng được báo mộng nên đem gỗ cây dâu tạc thành tượng thờ thì dân chúng khắp vùng sẽ được hưởng phúc lớn.

    Từ câu chuyện do dân vùng Luy Lâu kể lại, Thái thú Sĩ Nhiếp (khoảng 137-226) đã cho người lấy cây dâu tạc tượng bốn vị nữ thần là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Phong; đặt thờ ở bốn ngôi chùa, lần lượt là: chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Giàn, chùa Tướng. Trong cây dâu, con của Khâu Đà La và Man Nương đã đá nên được đưa vào chùa Dâu thờ phụng, gọi là Thạch Quang Phật. Còn nàng Man Nương sau khi qua đời đã được người dân suy tôn là Phật Mẫu Man Nương, thờ bà tại chùa Tổ (làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh).

    Tín ngưỡng thờ Tứ pháp đã phát triển như thế nào?

    Sau khi đã hình thành, từ Thuận Thành, Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ Tứ pháp tỏa đi khắp các tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện ước vọng về thiên nhiên thuận hòa, mùa màng tươi tốt của người nông dân.

    Tại tỉnh Hưng Yên, hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ pháp cũng được hình thành với những nét văn hóa và sinh hoạt tâm linh độc đáo. Tại đây, cũng hình thành một hệ thống chùa chiền thờ Tứ pháp, bao gồm Pháp Lôi-Pháp Vũ-Pháp Vân-Pháp Phong.

    Còn tại tỉnh Hà Nam, theo khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tỉnh này có đến 9 nơi thờ Tứ pháp như chùa Bà Đanh, chùa Quế Lâm (huyện Kim Bảng), chùa Bầu (thành phố Phủ Lý), chùa Châu Quang (thị xã Duy Tiên)… Trong đó, nơi thờ Tứ pháp với những sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm nét của tín ngưỡng này chính là chùa Bà Đanh, ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng.

    Những nét độc đáo của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp

    Đặc trưng cơ bản, nổi bật nhất của tín ngưỡng thờ Tứ pháp được thể hiện ở hình thức và màu sắc của các pho tượng thờ. Tượng thờ Tứ pháp là tượng Phật nhưng không mặt áo cà sa mà để lộ thân. Màu sắc của tượng được kết hợp bởi màu đỏ và đen. Đặc biệt, hầu hết các tượng Tứ pháp không chỉ ngự trên đài sen như các tượng Phật thông thường mà còn được ngự trên ngai và đặt trong khám. Đây chính là biểu tượng cho sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt.

    Trong hệ thống chùa Tứ pháp, nữ thần luôn đứng ở vị trí trung tâm, cho thấy tư duy của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, đề cao vai trò người phụ nữ, đề cao sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. 

    Các lễ hội thuộc tín ngưỡng thờ Tứ pháp thường được tổ chức từ sau Tết nguyên đán đến tháng 4 âm lịch, cụ thể là ngày 17 tháng Giêng-ngày hóa Phật Mẫu Man Nương và ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch- ngày sinh của Đức Phật Thích Ca (ngày Phật Đản) và Tứ pháp. Đây cũng chính là thời điểm bước vào mùa vụ gieo trồng mới nên việc tổ chức những lễ hội này là nhằm mục đích cầu cho “mưa thuận gió hòa” để mùa vụ mới được bội thu. 

    Ở mỗi địa phương, các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Tứ pháp có những đặc trưng riêng, nhưng về cơ bản đều gồm phần lễ với các nghi thức rước kiệu, hành lễ và phần hội là những trò chơi dân gian độc đáo. 

    Tín ngưỡng thờ Tứ pháp của người Việt chính là sự giao thoa giữa đạo Phật và văn hóa bản địa mà cuộc gặp gỡ giữa Khâu Đà La và Man Nương chính là biểu tượng cho sự giao thoa này. Sự hòa trộn này đã tạo ra một dạng thức văn hóa đặc biệt đó là việc thờ các hiện tượng thời tiết là mây, mưa, sấm, gió với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nền nông nghiệp lúa nước. Ngay nay, lễ hội Tứ pháp không còn là một lễ hội chùa mà đã phát triển trở thành lễ hội làng, liên làng-một nét văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, tục thờ Tứ pháp và lễ hội Tứ pháp có sức sống lâu bền trong đời sống hôm nay.

    Nguồn tài liệu: 

    -  Tứ pháp – Wikipedia tiếng Việt

    http://dsvh.gov.vn/

    Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây