Ngoài ra, chùa cũng là nơi cất giữ xá lợi và chôn cất các vị đại sư sau khi niết bàn.
Đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng. Khi xưa đình được xây dựng tại các làng quê và là nơi tập trung các hoạt động văn hóa, tổ chức các lễ hội, cầu nguyện, tế lễ và các hoạt động cộng đồng khác.
Đồng thời đình còn là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Từ lâu nơi đây được xem là trung tâm sinh hoạt văn hóa thân quên với cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Đền thường là nơi tôn thờ các vị thần linh nổi tiếng trong lịch sử, chủ yếu là các vị anh hùng, vua chúa, quan lại. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.
Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.
Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh…thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.
Miếu là nơi để tôn vinh các vị thần, các vị anh hùng, tước phong, hoàng đế, vua chúa. Miếu có quy mô nhỏ hơn đền.
Miếu thường được xây trên gò cao, sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng hoặc những nơi yên tĩnh để quỷ thần an vị, không bị quấy rầy bởi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị. Theo cách gọi của người miền Nam thì miếu nhỏ sẽ được gọi là miễu.
Theo tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam, phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại Thanh Hóa một số nơi thờ tự gọi đền là phủ.
Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn nên thu hút nhiều tín đồ khắp nơi đến hành hương.
Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.
Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh.
Các quán điển hình có thể kể đến như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành); Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).
Am được xây dựng để tôn vinh các vị thần trong đạo Phật. Am thường được xây dựng ở nơi yên tĩnh, thanh bình, có kiến trúc đẹp mắt. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân.
Với người Việt, Am là nơi thờ Phật cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng. Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) Am là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân. Ngoài ra, Am cũng được xem là miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma.
Nghè là nơi tôn thờ các vị thần linh trong đạo phong thủy. Nghè thường được xây dựng ở các vị trí đẹp và có kiến trúc cực kỳ độc đáo. Lối kiến trúc của nghè thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).
Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ. Tuy vậy quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác.
Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…
Tóm lại, chùa, đình, đền, miếu, phủ, quán, am, nghè và điện đều có những đặc điểm riêng biệt. Việc phân biệt chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam.